NGÀNH DỆT MAY CHỦ ĐỘNG NGUỒN NGUYÊN LIỆU

Ngày: 28/03/2014 3:02:17 CH

Ngành dệt may chủ động nguồn nguyên liệu
Việc chủ động sản xuất một phần nguyên liệu cung ứng cho nhu cầu sản xuất toàn ngành đang là tham vọng của Tập đoàn Dệt may Việt Nam trong chiến lược vươn lên tốp đầu xuất khẩu trên thế giới
Cho đến thời điểm này, giá bông thế giới tuy có giảm nhưng vẫn cao hơn cùng kỳ năm ngoái bình quân 150%. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp (DN) sợi  phải giảm năng lực sản xuất, thậm chí những DN nhỏ có nguy cơ tạm ngừng. Hiện Việt Nam phải nhập khẩu đến hơn 80% nhu cầu bông xơ khiến ngành dệt may thêm yếu sức trong cuộc chơi toàn cầu.  
Chao đảo vì giá bông
Ngay sau Tết Nguyên đán, giá bông có lúc đã tăng từ 3-4 USD lên hơn 5 USD/kg khiến  nhiều DN kéo sợi choáng váng. Mặc dù dự báo giá bông sẽ tăng do Trung Quốc mất mùa bông và nhu cầu tăng mạnh, một số nước đã thực hiện chính sách bảo hộ trong nước bằng việc cấm xuất khẩu bông và tăng dự trữ, thế nhưng việc tăng giá bất thường như vậy đã làm ảnh hưởng đến giá thành sản xuất, các DN kéo sợi không kịp trở tay vì không thể tăng giá bán đã được đàm phán trước đó.

 

bai viet


(Ông Đỗ Thái Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận (bìa trái) và ông Dương Khuê đang thăm ruộng bông thí điểm tưới nhỏ giọt)

Ông Trần Đăng Tường, Chủ tịch Hiệp hội Sợi Việt Nam, cho biết từ đầu năm ngoái đến nay, giá bông luôn đi lên, làm cho các nhà sản xuất “đứng tim”. Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhu cầu nhập khẩu bông xơ của Việt Nam đang tăng mạnh trong mấy năm gần đây do thị hiếu tiêu dùng thay đổi, người tiêu dùng ngày càng ưa thích các sản phẩm may mặc từ nguyên liệu thiên nhiên. Nếu như năm 2005, Việt Nam chỉ chi 167 triệu USD để nhập khẩu bông xơ thì vào năm 2010 đã là 664 triệu USD, góp phần tăng nhanh tỉ lệ nhập siêu.
Đã có lối ra
Trong vòng 2 năm gần đây, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã triển khai hàng loạt dự án sản xuất nguyên liệu cho ngành dệt may thay thế nhập khẩu. Một dự án trồng bông vải theo mô hình trang trại thay thế phương thức trồng bông phân tán trong các hộ dân đã được triển khai thí điểm. Ông Dương Khuê, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất - Kinh doanh nguyên liệu Dệt may Việt Nam (Vinatexmat), người được giao nhiệm vụ triển khai dự án này, cho biết trong hai vụ bông triển khai trồng theo mô hình trang trại đang mang lại kết quả khả quan.

Trên diện tích hơn 50 ha được giao, Vinatexmat đã thử nghiệm một số mô hình bông trang trại có tưới nhỏ giọt, tưới rãnh tràn và với một số giống bông lai, bông thuần kháng sâu. Đến nay, công ty đã xác định được mô hình trồng bông có hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ của Israel đối với các giống bông VN 01-2 mang lại kết quả tốt. Công nghệ này giúp tiết kiệm nhiều chi phí về lượng nước sử dụng, phân bón, công lao động…
Ở vùng bông Ninh Thuận, Viện Nghiên cứu bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố tiến hành trồng bông theo mô hình trang trại có tưới nhỏ giọt và  áp dụng phủ màng PE trên các luống bông  mang lại hiệu quả cao. Thực tế này đang mở ra triển vọng trồng bông trên quy mô công nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn.  
Vinatex cũng gấp rút triển khai các dự án sản xuất xơ visco, chủ yếu từ nguồn nguyên liệu là bột gỗ bạch đàn và keo lai tai tượng, vốn đang được trồng nhiều ở Việt Nam. Với dự án đầu tư nhà máy có công suất 120 tấn/năm, Việt Nam đã có thể chủ động khoảng 30% nhu cầu nguyên liệu sản xuất các mặt hàng vải pha visco để tạo các loại thời trang yêu cầu rủ, mát, mềm mại và bóng hơn. Dự án này sẽ phát triển khoảng 5.000 ha vùng trồng cây nguyên liệu, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc và tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.
Bài và ảnh: thiên lộc
( Nguồn của báo người lao động )