PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH VIỆN NGHIÊN CỨU HÀNG ĐẦU VỀ DỆT MAY

Ngày: 06/04/2014 9:10:08 SA

( Vinatex ) Viện Dệt May được Chính phủ thành lập năm 1969 (với tên gọi là Viện Công nghiệp Dệt Sợi).Viện có trụ sở tại Hà Nội và Phân viện tại thành phố Hồ Chí Minh.Ngày 05/9/2005, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 115/2005NĐ-CP, quy định cơ chế tự chủ, tự quản đối với các tổ chức khoa học và công nghệ công lập Nhà nước. Căn cứ Nghị định này và thông tư liên bộ tháng 6/2006, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã phê duyệt Đề án chuyển đổi hoạt động của Viện Dệt May (Quyết định số 746/QĐ-TDDMVN ngày 14 tháng 12 năm 2006 của Tập đoàn Dệt May Việt Nam).

Phát huy vai  trò là cơ quan nghiên cứu phát triển của Tập đoàn Dệt May Việt Nam, trong năm 2011 Viện Dệt May đã tập trung thực hiện các đề tài KHCN có tính thực tiễn cao. Các đề tài phát triển phương pháp thử mới cho phép Viện mở rộng các dịch vụ thử nghiệm phục vụ các doanh nghiệp dệt may. Nhóm đề tài biên soạn sổ tay là những công cụ đắc lực hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình sản xuất. Một số kết quả nghiên cứu của các đề tài KHCN thực hiện trong năm 2011 mang tính thực tiễn cao, tạo giá trị gia tăng, đã được ứng dụng trong sản xuất, đưa ra thị trường: các sản phẩm làm từ xơ tre, áo sơ mi nam,... Bên cạnh đó, Viện Dệt May cũng thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, cung cấp thông tin khoa học công nghệ, hàng quý cung cấp các chuyên đề nghiên cứu chooWebsite của Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Tạp chí Dệt May và Thời trang Việt Nam. Đây là những thông tin hữu ích, giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phát triển và mở rộng sản xuất.

  

Đại sứ Bỉ và Lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam tham quan phòng thí nghiệm sinh thái

 Để không nghừng nâng cao trình độ  về kỹ thuật công nghệ và cập nhật những  kiến thức mới nhất về ngành dệt may trên thế giới, Viện thường xuyên  cử cán bộ đi đào tạo trong nước và nước ngoài về các lĩnh vực như: Quản lý, marketing, thử nghiệm...v.v.

Với chức năng là viện nghiên cứu ứng dụng, với hơn 40 năm hoạt động luôn hướng tới và đồng hành phục vụ toàn ngành dệt may. Viện là thành viên của Hiệp hội các nhà Hóa dệt và Nhuộm màu Hoa Kỳ. Trung tâm thí nghiệm Dệt May của Viện được cấp chứng nhận hoạt động phù hợp tiêu chuẩn ISO/EC 17025:2005, được sự công nhận của tổ chức công nhận phòng thử nghiệm Châu Á Thái Bình Dương (APLAC) và là phòng thử nghiệm đầu tiên được Bộ Công Thương chỉ định thực hiện giám định chất lượng hàng dệt may các chỉ tiêu  hàm lượng Formaldehyt, các amin thơm có thể giải phóng ra từ thuốc nhuộm Azo.

 Do phát triển tốt các phương pháp thử, phục vụ khách hàng nhanh chóng, hiệu quả, có uy tín nên trong năm 2011, doanh số dịch vụ thử nghiệm của Viện đạt cao. Trung tâm thí nghiệm Dệt May của Viện là đơn vị chủ lực trong việc thực hiện Thông tư 32 của Bộ Công Thương, hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Trong năm nay, Viện cũng đã mở rộng thêm một số hoạt động về tư vấn dự án đầu tư nhà máy kéo sợi, bước đầu trong việc phát triển thêm lĩnh vực hoạt động mới.

 Về công tác hợp tác quốc tế, trong năm 2011 Viện đã đặc biệt quan tâm để triển khai các dự án hợp tác  đã được nước ngoài giúp đỡ tài trợ.  Tại cuộc họp của Ủy ban hỗn hợp giữa Chính phủ VN và Vương Quốc Bỉ tháng 12/2003, hai bên đã tái khẳng định mong muốn sẵn sàng hỗ trợ ngành dệt may Việt Nam phát triển và phía Bỉ đã hỗ trợ xây dựng một Phòng thí nghiệm sinh thái dệt may trong khuôn khổ dự án Tăng cường năng lực nghiên cứu, đào tạo và phát triển thử nghiệm các kỹ thuật dệt của Viện Dệt May giai đoạn 2, thực hiện từ năm 2008-2011. Và Bộ Công Thương đã ra quyết định phê duyệt Dự án Nâng cấp hệ thống thiết bị và Phòng thí nghiệm sinh thái tại Viện Dệt May. Phòng thí nghiệm sinh thái dệt may - Trung tâm thí nghiệm dệt may của Viện đã có đủ năng lực để kiểm tra hầu hết các chỉ tiêu cơ bản để đánh giá chất lượng sản phẩm dệt may theo các tiêu chuẩn quốc tế: AATCC, ASTM, ISO, DIN, JIS, TCVN,…và có đủ năng lực để thử nghiệm một số chỉ tiêu cơ bản về an toàn và sinh thái dệt may như: Các chỉ tiêu về an toàn liên quan tới sản phẩm dệt may theo yêu cầu của Ủy ban an toàn sản phẩm tiêu dùng Hoa Kỳ (CPSC): (Tiêu chuẩn về an toàn cháy cho quần áo - 16 CFR 1610; Tiêu chuẩn về an toàn cháy cho quần áo ngủ trẻ em (16 CFR 1615/ 1616); Xác định tổng hàm lượng chì - CPSC Test Method CPSC-CH-E1002-08”. Các chỉ tiêu liên quan tới sinh thái dệt may theo yêu cầu của hầu hết các nước nhập khẩu dệt may (Hàm lượng Formaldehyt, PCP trên sản phẩm dệt may; Xác định các amin thơm có thể tách ra từ thuốc nhuộm azo, kim loại nặng có thể chiết ra trên sản phẩm dệt may).

 Cũng trong năm qua, Viện đã tham gia đề xuất, chuẩn bị kế hoạch hợp tác đào tạo trong khuôn khổ Dự án “Phát triển cụm doanh nghiệp nhỏ và vừa” do Chính phủ Italia tài trợ thông qua Cục phát triển doanh nghiệp, tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc tế với các Viện nghiên cứu nước ngoài (Hàn Quốc, Đài Loan,...) nhằm nâng cao năng lực cán bộ thử nghiệm, phát triển thêm các phương pháp thử cho Trung tâm thí nghiệm Dệt May.

 Để phục vụ cho chiến lược phát triển của ngành Dệt May Việt Nam nói chung, Tập đoàn Dệt May Việt Nam nói riêng, trong năm 2012, Viện Dệt May tiếp tục tập trung phát triển  mạnh  vào các lĩnh vực sau:

 Nghiên cứu các đề tài KHCN mang tính thực tiễn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp dệt may. Phát triển các dịch vụ thử nghiệm được công nhận quốc tế, tăng cường năng lực cho Trung tâm thí nghiệm Dệt May của Viện. Tăng cường các dịch vụ tư vấn, đào tạo, chứng nhận sản phẩm: Triển khai các dự án đầu tư của Tập đoàn trong lĩnh vực sợi, dệt, may mặc; Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, cán bộ kỹ thuật chuyên ngành sợi, dệt, nhuộm; Cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp dệt may về thông tin thực trạng, công nghiệp dệt may Việt Nam và thế giới; thị trường dệt may, công nghệ mới, các rào cản kỹ thuật, các yêu cầu thâm nhập thị trường; Nhu cầu chứng nhận sự phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn dệt may.

Phát triển thêm các dịch vụ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ: Trong lĩnh vực dệt may một trong những định hướng chiến lược là phát triển sản phẩm mới, tăng cường các ngành công nghiệp phụ trợ nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm dệt may xuất khấu. Để thực hiện được điều này, việc phát triển nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới trong sản xuất là hết sức cần thiết. Thực hiện chiến lược marketing để tìm kiếm và xác định những khách hàng tiềm năng của Viện, đồng thời có những kế hoạch nhằm duy trì và thỏa mãn các yêu cầu của khách hàng.


TS.Nguyễn Văn Thông: Viện trưởng Viện Dệt May