TIÊU THỤ NƯỚC VÀ NƯỚC THẢI TRONG XỬ LÝ ƯỚT LEN

Ngày: 07/02/2017 9:49:00 SA

Tiêu thụ nước và nước thải trong xử lý ướt len

                                                                                                                        Đặng Trấn Phòng

1. Dẫn nhập

Sản xuất sợi len để dệt thảm xuất khẩu và sợi len mịn để đan áo xuất khẩu đã được tiến hành từ lâu ở nước ta, đầu tiên ở Nhà máy Len Hải Phòng, sau đó đến Nhà máy Len – Nhuộm Hà Đông. Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, Xí nghiệp Dệt (thuộc Công ty 28, Bộ Quốc Phòng) tại Thành phố Hồ Chí Minh đã dệt vải len pha – polyeste/len từ sợi pha polyeste/len nhập khẩu và nhuộm – hoàn tất trên các máy móc, thiết bị nhập từ Đức và Italia để may quân phục cho sĩ quan quân đội và công an. Sau đó ít lâu Nhà máy Dệt lụa Nam Định cũng đấu thầu chọn nhập thiết bị xử lý hoàn tất len của Công ty m-tex (Đức) để sản xuất vải pha polyeste/len may mặc cho quân đội như Công ty 28. Và gần đây Công ty Cổ phần Dệt lụa Nam Định (Nhà máy Dệt lụa Nam Định trước đây) lần đầu tiên ở Việt Nam đã dệt và hoàn tất vải len 100% từ sợi len lông cừu nhuộm mầu nhập khẩu của Hàn Quốc rồi xuất khẩu trở lại Hàn Quốc để may veston.

Như vậy là, ngành sản xuất len bao gồm kéo sợi, dệt vải, nhuộm và hoàn tất các sản phẩm từ len lông cừu 100% và len pha mặc dầu nhỏ về qui mô, ít về sản lượng đã hình thành từ lâu ở nước ta và đang phát triển, chứ không phải đến “đầu năm 2011, hầu hết các doanh nghiệp dệt may Việt Nam còn chưa biết đến len lông cừu”! (như có người đã viết như thế trong tạp chí Dệt May và Thời trang số 305/7-2013).

Hiện Tập đoàn Dệt – may Việt Nam (Vinatex) xúc tiến xây dựng một nhà máy dệt len và hợp tác với Woolmark thuộc sở hữu Công ty đổi mới len Úc (Australian Wool Innovation Limited, AWI) trong Dự án “Việt Nam trên đường hội nhập” nhằm biến Việt Nam thành “trung tâm hàng dệt len lớn của thế giới”.

Do đó cần thiết phải xem xét vấn đề tiêu thụ nước và nước thải trong xử lý ướt len lông cừu đặt trong tổng thể sản xuất hàng dệt len.

2. Xử lý trước len (Preparation of wool) với nước cấp và nước thải

2.1 Giặt len lông cừu (Wool Scouring): đây là công đoạn xử lý ướt đầu tiên bắt buộc. Lông cừu xén từ con cừu thông thường chứa ít hơn 50% xơ sạch, còn lại là lượng tạp chất nhiều hay ít phụ thuộc vào nguồn gốc len. Những tạp chất này cần phải loại bỏ trước khi kéo sợi, bởi vì chúng có thể ảnh hưởng xấu đến quá trình kéo sợi.

Các giới hạn xơ len sạch và tạp chất trong len nguyên liệu như dưới đây:

-         15-72% xơ len sạch (clean fibre)

-         12-47% mỡ lông cừu và mồ hôi cừu (suint)

-         3-24%  tạp chất nguồn gốc thực vật và chất bẩn (dirt)

-         4-24% độ ẩm (moisture)

Có thể nói rằng mục đích của giặt len lông cừu nguyên liệu thô là loại bỏ các tạp chất và mỡ lông cừu xuống dưới 1% bởi lẽ lượng mỡ nhiều hơn sẽ ảnh hưởng bất lợi đến các công đoạn gia công cơ học len (như kéo sợi). Tuy nhiên, không được loại bỏ hoàn toàn mỡ lông cừu vì sẽ làm tổn hại đến tính đãn hồi (elastic) của len. Giặt len lông cừu nguyên liệu thô thường được thực hiện trong máy giặt có nhiều bể giặt – được gọi là máy giặt “leviatan” (leviathan scourer) như đã có ở Nhà máy Len – nhuộm Hà Đông trước đây. Trong máy này len lông cừu chuyển động ngược chiều với dòng dung dịch chứa chất giặt.

Trước kia chất giặt chủ yếu là xà phòng, sau này đã được thay thế bằng các chất giặt chuyên dùng trên cơ sở các chất hoạt động bề mặt. Ở nước ta – Nhà máy len – nhuộm Hà Đông trước đây cũng như ở Mỹ và nhiều nước Châu Âu (như Tiệp Khắc cũ) áp dụng phổ biến công nghệ giặt bằng các chất giặt. Có hai hệ thống giặt nước – giặt kiềm tính (alkaline aqueous scouring system) và giặt trung tính (neutral aqueous scouring systems) đều trên cơ sở các chất hoạt động bề mặt không ion (nonionic surfactants) được sử dụng hiện nay. Các hệ thống này trước đây sử dụng phổ biến nonylphenol etoxilat làm chất hoạt động bề mặt, viết tắt là NPEO, nhưng do hệ quả môi trường xấu của chất này – có thể phân giải vi sinh từ 92.5-99.8% song tạo ra nonylphenol  độc tính rất cao. Kết quả là NPEO đã bị loại bỏ hoàn toàn khỏi giặt len lông cừu. Trong hệ thống giặt nước kiềm tính thường được áp dụng nhiều hơn thì natri cacbonat, Na2CO3 như một hợp phần (builder) để tăng cường loại bỏ mỡ lông cừu và ngăn ngừa chúng kết lắng được cho vào bể giặt (cùng với chất giặt tổng hợp) để có pH 9,5-10,5 và giặt ở nhiệt độ 54,50C (1300F). Còn trong hệ thống giặt nước trung tính thì chỉ sử dụng chất giặt không ion, ở pH 6,5-7,5 và nhiệt độ 57-720C (135-1600F).

Có những số liệu khác nhau về lượng nước cấp cho công đoạn giặt len lông cừu. Nước cấp vào bao nhiêu thì cũng thải ra bấy nhiêu, trừ một lượng nhỏ bị hút vào len lông cừu. Lượng nước cấp cho giặt phụ thuộc vào chủng loại len lông cừu đưa vào giặt, vào thiết bị và công nghệ áp dụng.

Theo tài liệu “Tiêu thụ nước trong sản xuất dệt ON 830754” (của Tiệp khắc cũ) thì lượng nước tiêu thụ trong giặt len lông cừu thô là 20 đến 60 l/kg nguyên liệu lông cừu. Còn theo số liệu nước cấp cho quy trình giặt kiềm tính của Mỹ lại cao hơn hẳn: 66,7 đến 100 lít nước cho 1 kg lông cừu (8000-12000 “galông” nước cho 1000 “pao Mỹ” xơ len).

Những hệ thống giặt “toàn diện” đã được triển khai bởi Cơ quan nghiên cứu len của NiuDilân (Wool Research Organisation of New Zealand) viết tắt là WRONZ, gọi là “minibowl technology” và quy trình “Siroscour” (Siroscour process) phát triển bởi Cơ quan khoc học và nghiên cứu quốc gia (CSIRO). Những công nghệ này sử dụng lượng nước tối thiểu mà không “hy sinh” (sacrificing) độ sạch cuối cùng của len được giặt. Ngoài ra, còn có các phương pháp giặt trong dung môi (solvent scouring).

Một hệ thống dựa trên hexan (hexane, C6H14) làm dung môi gọi là “qui trình của Smet” (de Smet process) và một hệ thống giặt khác sử dụng 1,1,1-tricloetan (C2H3Cl3) như dung môi, có tên là qui trình “Toa/Asohi” (Toa/Asohi process). Các hệ thống giặt bằng dung môi nói trên đã được thương mại hóa – áp dụng ở Đài Loan và Nhật Bản.

Đặc tính nước thải giặt len lông cừu có thể tóm tắt như sau:

-         Nước thải là kiềm tính (phổ biến), mùi nồng mạnh và có một lượng lớn các chất không tan, lơ lửng được thể hiện bằng thông số “TSS (Total Suspended Solids) lên đến 8000 mg/l, tức là vượt mức giới hạn cho phép thải ra môi trường nước thải loại B (theo Qui chuẩn kĩ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp dệt may 13: 2008 tới 80 lần!

-         Là một trong những dòng nước thải ô nhiễm lớn nhất, nếu tính theo các thông số BOD5 (nhu cầu ôxy sinh hóa –Biochemical Oxygen Demand) và COD (nhu cầu oxy hóa học – Chemical Oxygen Demand). Trong một số trường hợp BOD5 có thể lên đến 40.000 mg/l và COD tới 100.000 mg/l. Còn giá trị trung bình BOD5 là 6.000 mg/l và COD là 30.000 mg/l, vượt giá trị nồng độ cho phép (của các thông số ô nhiễm này qui định trong Qui chuẩn 13: 2008, cột B lần lượt là 120 lần (với BOD5) và 200 lần (với COD)!

Tính được rằng, công đoạn giặt len lông cừu mộc này “đóng góp” từ 55 đến 75% tổng lượng BOD5 trong xử lý ướt len. Như vậy là giặt một (1) tấn len lông cừu sẽ sản sinh một tải lượng ô nhiễm tương đương với 3000-5000 cư dân – tức là bằng một thị trấn nhỏ (small town) thải ra môi trường.

-         Nước thải giặt len lông cừu chứa một lượng “lanolin” lớn. Mỡ len tinh chế - lanolin là nguyên liệu rất quan trọng và có giá trị cho công nghiệp dược phẩm và mỹ phẩm cần được thu hồi. Cứ một (1) tấn len lông cừu có chứa 10% lanolin nguyên liệu khi giặt đi vào nước thải.

Chính vì tiêu thụ nước nhiều có đặc tính ô nhiễm rất nặng nề và giá trị của dòng thải giặt len lông cừu nguyên liệu nên mới đi sâu phân tích như trên về dòng thải này trong xử lý trước len.

2.2 Cacbon hóa (Wool carbonizing): Bằng cacbon hóa các tạp chất xenlulo như vụn cỏ và các loại tạp chất thực vật khác bị loại bỏ. Quá trình này dựa trên thực tế rằng xenlulo bị phân hủy bằng tác dụng của axit vô cơ trở nên dòn (brittle) và dễ dàng bị loại bỏ. Cacbon hóa được tiến hành trước hết bằng axit sunfuric (đương nhiên có thể sử dụng các chất khác như axit clohyđric, HCl; nhôm clorua, AlCl3 v.v). Hàng len (xơ rời hay vải tấm) được ngấm trong dung dịch H2SO4 loãng (4,5-6,7% khối lượng vật liệu) trong một thời gian phụ thuộc chủng loại hàng len xử lí. Sau khi axit sunfuric thừa được tách ra, hàng được sấy rồi xử lí nhiệt khô 100-1100C để làm cháy tạp chất xenlulo. Tiếp theo vật liệu len được giặt nước lạnh rồi trung hòa và cuối cùng lại được “tráng” (giặt qua) bằng nước lạnh nữa. Vải len có thể cacbon hóa trước hay sau nhuộm.

Tùy theo loại máy sử dụng cho quá trình cacbon hóa mà tiêu thụ nước từ 20-35 l/kg hàng len cacbon hóa.

Điều đáng quan tâm ở đây là dung dịch axit đã “tận dụng” được tháo bỏ đi vào nước thải có độ axit cao, pH từ 1,5-3,0 và chứa nhiều chất ô nhiễm hữu cơ, thể hiện bởi thông số BOD5 lên đến 8000 mg/l. Còn có đặc tính nữa là hàm lượng các chất không hòa tan cao.

2.3. Tẩy trắng

Tẩy trắng là công đoạn phân hủy (loại bỏ) các chất mầu vàng tự nhiên khỏi len, nó chẳng những cần thiết cho hàng trắng mà còn cần cho nhuộm các mầu nhạt tươi sáng,đặc biệt là mầu xanh và tím. Tẩy trắng cho cả xơ len rời (loose material), cúi (tops), sợi, vải dệt thoi và vải dệt kim theo các phương pháp công nghệ sau:

-         Tẩy trắng ôxi hóa bằng hyđro peroxit, H2O2; natri peroxit, Na2O2 hoặc natri perborat, NaBO2.H2O.3H2O. Thông thường nhất là tẩy trắng bằng H2O2 trong môi trường kiềm với pH 9,0-9,5.

-         Tẩy trắng khử trước đây bằng natri hyđrosunfit, Na2S2O4. Hiện nay trên thế giới hay dùng các chất “đithionit” ổn định như kẽm formanđêhit sunfoxilat [Zn2+(HOCH2SO2-)2; C.I Reducing Agent 6] và natri formanđêhit sunfoxilat [Na+HOCH2SO2-; C.I. Reducing Agent 2]. Nếu sử dụng 1 trong các loại fomanđêhit sunfoxilat trên như Rongalit C (BASF) thì tiến hành tẩy trắng ở pH 3. Ngoài ra, còn có thể tẩy trắng bằng natri bisunfit, NaHSO3 hay lưu huỳnh đioxit, SO2.

-         Tẩy trắng kết hợp - ôxi hóa và khử

Trong trường hợp tẩy trắng vải len trên máy Zigơ thì tiêu thụ lượng nước là 3000 l cho 100m vải. Còn phần lớn tẩy trắng vật liệu len rời theo phương pháp tấy trắng khử thì lượng nước tiêu thụ xung quanh 120 l/kg. Trong tẩy trắng kết hợp 2 giai đoạn (tẩy trắng oxi hóa với tẩy trắng khử và tăng trắng quang học) lượng nước tiêu thụ tăng lên đến 200 l/kg len tẩy trắng.

Thông số ô nhiễm BOD5 của nước thải tẩy trắng len khoảng 390 ppm (mg/l).

2.4. Các công đoạn xử lý ướt khác

Từ khía cạnh tiêu thụ nước và nước thải thì các công đoạn xử lý ướt khác trong toàn bộ dây chuyền gia công xử lý len là rất quan trọng. Trong các công đoạn này ngoài các công đoạn định hình “ướt” như định hình nấu (crabbing), tạo nỉ - làm đầy (milling) và xử lý hóa học khác thì các công đoạn giặt có ý nghĩa quan trọng nhất.

-         Giặt cúi len chải ký (tops): được giặt thường thường trong máy giặt riêng (back washing machine); chất giặt và nếu cần natri cacbonat, Na2CO3 hay ammoniac, NH4OH được cho vào bể giặt đầu tiên. Cúi len chải kỹ còn có thể giặt trước khi nhuộm cúi, trực tiếp ở máy nhuộm.

-         Giặt sợi len: sợi len chải thô (wollen carded yarn) phải giặt rất cẩn thận, bởi lẽ còn dầu bôi trơn (lubricating oils) có ảnh hưởng xấu đến độ đều mầu nhuộm và độ bền mầu. Dung dịch giặt bao gồm chất giặt và natricacbonat. Giặt ở 400C.

Đối với sợi len chải kỹ (worsted combed yarn) có lượng dầu bôi trơn và tạp chất ít hơn thì chỉ cần giặt nhẹ nhàng hơn là đủ, bởi vì len đã được giặt sơ bộ (pre-scour) ở dạng cúi rồi. Dung dịch giặt cần dùng lượng chất giặt và Na2CO3 ít hơn (so với giặt len chải thô) và bổ sung một ít dung dịch ammoniac 25%, cũng giặt ở 400C.

Không có số liệu cụ thể về tiêu thụ nước đưa ra với giặt cúi len và sợi len.

Về nước thải đương nhiên có một lượng BOD5 nhất định cùng các chất không tan trong nước thải ra. Rất tiếc cũng không đưa ra được số liệu cụ thể của các nồng độ ô nhiễm nói trên!

-         Giặt vải len: bao hàm cả giặt vải len 100% và vải len pha sợi tổng hợp (như polieste/ len là phổ biến nhất)

Vải len mộc lấy từ xưởng dệt phải giặt thật kỹ để loại bỏ tất cả: dầu bôi trơn và các tạp chất đưa vào vải trong các công đoạn xử lí trước đó. Vải xử lí tạo nỉ - làm đầy phần lớn được giặt sau công đoạn này để tiết kiệm một lần giặt. Vải có hồ (sợi dọc) phải được rũ hồ. Vải len mộc được giặt trong dung dịch chứa chất giặt và natri cacbonat ở nhiệt độ và thời gian phụ thuộc vào chủng loại vải và mức độ bẩn của hàng. Trong giặt, vải chịu tác dụng của các hóa chất hòa tan trong nước trên và tác dụng cơ hoc trong các máy sử dụng như áp lực, ma sát, kéo giãn và vặn xoắn. Vật liệu dệt trở nên mềm mại, cân bằng sức căng bên trong và vải được đầy đặn. Bởi vậy trong quá trình xử lý hoàn tất giặt được lặp lại nhiều lần.

Tùy theo chủng loại hàng mà các loại thiết bị giặt chuyên dùng khác nhau được sử dụng như máy giặt dạng dây (rope), máy giặt bằng nguyên khổ (full width). Lượng nước sử dụng phụ thuộc vào chủng loại vật liệu dệt và máy móc thiết bị áp dụng. Dưới đây là một số số liệu được rút ra từ thực tế sản xuất nước ngoài:

Vải giặt

Lượng nước tiêu thụ (l/kg)

Ở dạng nguyên khổ:

-         Hàng mỏng, nhẹ

-         Hàng dầy, nặng

 

-         100

-         130

Ở dạng dây:

-         Hàng mỏng, nhẹ

-         Hàng dầy, nặng

 

-         100

-         150

Trong máy giặt và tạo nỉ

70

Một lượng lớn nước thải ra từ các máy giặt, xấp xỉ lượng nước cấp, trong đó chứa nhiều loại chất thải khác nhau bao gồm các chất giặt, chất ngấm thấu làm tăng hiệu quả giặt và các chất khác tách ra từ vật liệu dệt đem giặt. Lượng nước chỉ tính riêng dung dịch giặt thái ra là ít nhưng có mức độ ô nhiễm khá cao, tính heo BOD5 đến 5000 mg/l và các chất không tan lên tới 2500 mg/l. Độ pH dao động trên giá trị 9.

3. Nhuộm len

Nhuộm len thường có yêu cầu rất khắt khe về chất lượng và lượng nước cấp. Có nhiều dạng vật liệu len được nhuộm mầu, từ dạng “nguyên liệu” như cúi, “nửa thành phẩm” như sợi để dệt thoi (wearing yarn), sợi để dệt kim (knitting yarn), sợi len đan, sợi dệt thảm (carpet yarn) đến nhuộm vải dệt thoi (dyeing of fabrics), nhuộm vải dệt kim (knitted fabrics), nhuộm nỉ, dạ (felt dyeing), nhuộm các sản phẩm làm mũ (hat-making products dyeing) v.v với dãy mầu phong phú, áp dụng nhiều công nghệ nhuộm khác nhau nên “chất lượng” và số lượng nước thải cũng biến động.

Ngoài len nguyên chất 100%, còn nhuộm len pha xơ sợi tổng hợp như polieste/len rất phổ biến với các tỉ lệ pha khác nhau, và len pha với các xơ, sợi thiên nhiên khác. Bởi vậy người ta đã sử dụng nhiều loại thuốc nhuộm và chất trợ. Để nhuộm len và len pha trong thực tế sản xuất đã dùng các thuốc nhuộm trực tiếp, phân tán, axit các loại, phức kim loại 1:1 (1:1 metal complex dyes), phức kim loại 1:2 (1:2 metal complex dyes) và thuốc nhuộm hoạt tính.

Nhuộm len nguyên liệu, nửa thành phẩm và thành phẩm (vải len dệt kim và dệt thoi v.v.) tiêu thụ lượng nước khác nhau phụ thuộc nhiều vào công nghệ áp dụng (gián đoạn và liên tục ) và máy móc sử dụng. Sau đây là một số số liệu về nước cấp (do đó có thể để dùng suy ra nước thải).

Dạng vật liệu nhuộm

Nước tiêu thụ (l/kg vật liệu)

Nhuộm len ở dạng tự do (Wool in loose stok):

 

Ở thiết bị không áp lực

120

Ở máy nhuộm có áp lực

60

Nhuộm cúi len (tops dyeing):

 

Cúi len nguyên chất

55

Cúi len pha xơ sợi tổng hợp

80

Nhuộm liên tục

5

Nhuộm sợi len:

 

Sợi guồng

200

Sợi bánh (cross-wound bobbins)

120

Như đã nói ở trên, nước thải nhuộm len có đặc điểm là dao động nhiều và mức độ ô nhiễm phụ thuộc vào chủng loại vật liệu nhuộm và công nghệ nhuộm. Đưa vào nước thải nhuộm ngoài phần thuốc nhuộm thừa, không gắn mầu được giặt ra dưới các dạng tan, khuyếch tán, không tan, còn nhiều hóa chất và chất trợ như natri sunfat (Na2SO4), axit axetic (CH3COOH), ammoniac (NH4OH), các chất hữu cơ tách ra từ nguyên liệu và các chất trợ ngấm thấu, đều mầu, làm mềm v.v. Dung dịch sau nhuộm tháo ra chứa đến 0,5 g/l thuốc nhuộm không được sử dụng và tới 8 g/l muối tan. Nước thải “đậm đặc” trên sẽ được hòa trộn với nước giặt trong bể điều hòa, nên có các thông số ô nhiễm trung bình trong nước thải như sau:

Nhu cầu ôxi sinh hóa, BOD5

50-300 mg/l

Nhu cầu oxi hóa học, COD

150-1000 mg/l

Các chất không tan, TSS

30-300 mg/l

Các chất tan, chủ yếu là Na2SO4

100-500 mg/l

pH

5 đến 9,5

 

4. In hoa (Printing)

Trên thế giới thường in vải len (dệt thoi, dệt kim); len pha như len/polieste, len/bông). Ở Anh và ở Tiệp Khắc (cũ) người ta có các xưởng, nhà máy chuyên in hoa các sản phẩm len khăn choàng cho phụ nữ và khăn quàng nam để xuất khẩu – chủ yếu sang thế giới Ả Rập.

Đây là một ngành riêng có các yêu cầu rất khắt khe về kỹ thuật và tinh xảo nghề nghiệp. Quá trình chuẩn bị (preparation of printing) cũng rất công phu, gần như bắt buộc phải làm clo hóa (chlorination) len – như một phương pháp truyền thống, về mặt môi trường sinh thái là độc hại cả về nước thải và khí thải. Từ những năm 70 (thế kỷ trước) còn đưa vào cả xử lý plasma (plasma treatment) để biến đổi tính chất vật lý của xơ len.

In hoa có nhiều phương pháp được áp dụng từ in trực tiếp (direct printing), in bóc (discharge printing), in ngừa (resist printing), in hoa kỹ thuật số (digital printing),in thăng hoa (transfer printing), in cuộn ủ lạnh (cold print batch), in kiểu đốt cháy (burn out printing). Thuốc dùng để in hoa cũng đa dạng – giống như thuốc dùng trong nhuộm, bao gồm thuốc nhuộm axit hay phức kim loại, thuốc nhuộm phân tán, thuốc nhuộm hoạt tính (như Lanasol, Lanasol CE của Huntsman) và sử dụng cả  pigmentnữa.

Còn máy in thì vẫn còn in tay thủ công, in khung lưới phẳng tự động (automatic flat screen printing), cả in lưới quay(rotary screen printing); máy in kỹ thuật số kết hợp với thiết kế và chuyển mẫu hoa bằng máy tính (computer aided design –CAD) và các máy in thăng hoa – chuyển mầu.

Tiêu thụ nước và sản sinh nước thải trong in hoa là khá lớn vì lẽ ngoài giặt hàng in còn phải dùng nhiều nước để làm vệ sinh máy móc, thiết bị in hoa.

Nước thải in hoa vải len dệt thoi và dệt kim về đại thể có đặc điểm ô nhiễm giống như nước thải nhuộm và xử lý ướt len khác. Ô nhiễm nước thải in hoa tính theo thông số BOD5 dao động từ 150-300 mg/l, lượng các chất không tan đến 300 mg/l. Nước thải thường có tính axit yếu.

5. Xử lý hoàn tất cuối cùng

Để tăng giá trị sử dụng, vải len được xử lý hoàn tất cuối cùng bằng các hóa chất và hóa chất xử lí hoàn tất chuyên dùng (finishing chemicals) thích hợp. Thường tiến hành xử lí phòng co (shrink-resist treatment), xử lý chống nhậy (insect-resist treatment or wool moth-proofing), chống cháy (flame-retardant treatment) v.v.

Trong các loại xử lí hoàn tất nêu trên, người ta tận dụng tối đa hóa chất hoàn tất sử dụng. Do đó nước thải xuất hiện chủ yếu trong vệ sinh thiết bị, máy móc và như vậy chỉ với một lượng ít.

Kết luận và kiến nghị

Ở trên đã trình bày chi tiết vấn đề tiêu thụ nước và nước thải trong các công đoạn xử lý trước, nhuộm (và in hoa), xử lý hoàn tất len lông cừu (và len pha). Qua đây thấy rõ sản xuất vải len trước khi kéo sợi và sau dệt phải tiến hành giặt – nhuộm – hoàn tất rất công phu, tốn nhiều nước và sản sinh nước thải ô nhiễm nặng nề. Là một trong những dòng nước ô nhiễm cao nhất nên phải chọn xử lý nước thải với công nghệ thích hợp và xử lý khá tốn kém mới có thể đạt được các thông số ô nhiễm cho phép theo “Qui chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp dệt – may” QCVN 13:2008/BTNMT. Do đó trong khi thực hiện dự án đầu tư làm vải len cho veston cần tính toán đầy đủ vấn đề nước cấp và nước thải, từ việc chọn địa điểm xây dựng đến lựa chọn máy móc thiết bị và các công nghệ áp dụng sao cho ở mức tiên tiến, hiện đại, tiêu thụ ít nước và năng lượng, thân thiện với môi trường nhằm vừa đảm bảo sản phẩm len chất lượng cao lại có giá thành hợp lý và sản xuất phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

 

Tài liệu tham khảo

1.      Handbook for Dyers and Printers., Chemapol Co. Ltd, Praha, Czechoslovakia

2.      The Coloration of Wool and other Keratin Fibres., Editors: David M.Levis, John.A.Rippon, SDC & Wiley.

3.      Đặng Trấn Phòng – Trần Hiếu Nhuệ, Xử lý nước cấp và nước thải dệt nhuộm., Nhà xuất bản Khoa học & kỹ thuật, Hà Nội 2006.